Ngày 17-9, tại Cảng hàng không Thọ Xuân, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tập đoàn Sojitz - tập đoàn thương mại tổng hợp lớn của Nhật Bản, có truyền thống đầu tư tại Việt Nam, liên quan đến việc kêu gọi đầu tư hạ tầng vào Khu Công nghiệp (KCN) Lam Sơn – Sao Vàng.

|
Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh
Trịnh Văn Chiến và đại diện Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) tại buổi làm việc. (.
Ảnh: Ngọc Hải) |
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Thanh Hóa có
các đồng chí: Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
HĐND tỉnh; Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hòa, Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS);
Nguyễn Ngọc Hồi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở,
ngành. Về phía Tập đoàn Sojitz có các ông: Koizumi, đại diện tập đoàn; Kazama,
Tổng Giám đốc KCN Long Bình. Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Hoàng Anh
Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội.
Tại buổi làm việc, các bên tham dự đã nghe Viện
Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa giới thiệu về KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Theo đó,
khu vực Lam Sơn – Sao Vàng nằm ở vị trí trung tâm hình học tỉnh Thanh Hóa, là
trung tâm giao lưu giữa miền núi trung du phía Tây với vùng đồng bằng và ven
biển phía Đông tỉnh Thanh Hóa. Đây được xác định là 1 trong 4 cụm kinh tế động
lực của tỉnh, là địa điểm có nhiều lợi thế về giao thông, tạo thuận lợi cho việc
xây dựng và phát triển công nghiệp và đô thị. Khu vực Lam Sơn – Sao Vàng còn là
vùng có tài nguyên đất đai phát triển nông nghiệp, có truyền thống, kinh nghiệm
trong sản xuất, canh tác nông nghiệp và cho năng suất cao. Chính vì thế, tỉnh
Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng thành
một “Tổ hợp đô thị công – nông nghiệp công nghệ cao – du lịch”. Tổ hợp này được
hình thành từ ý tưởng kết nối 4 yếu tố, đó là: KCN sạch sử dụng công nghệ cao;
khu nông nghiệp công nghệ cao; Khu Du lịch bảo tồn văn hóa lịch sử và sinh thái
Lam Kinh; kết hợp đô thị Lam Sơn – Sao Vàng tạo thành một tổ hợp kinh tế động
lực phát triển bền vững. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.975 ha,
thuộc địa phận các xã Xuân Sơn, Xuân Thắng và Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.
Trong giai đoạn 1, dự kiến tại đây sẽ thành lập
và tập trung đầu tư cho KCN sử dụng công nghệ cao khoảng 350 ha, trong đó Tập
đoàn Viễn thông quân đội đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sau khi nghe giới thiệu, đại diện Tập đoàn
Soijitz đã đánh giá cao chủ trương phát triển KCN Lam Sơn – Sao Vàng của tỉnh
cũng như phương án quy hoạch, nhất là những lợi thế kết nối của KCN. Các thành
viên trong đoàn công tác của Tập đoàn Sojitz bày tỏ sự quan tâm và đề nghị tỉnh
phân tích sâu hơn về khả năng kết nối với cảng biển, nguồn nhân lực, khả năng
kết nối với trung tâm, điều kiện hạ tầng, môi trường của KCN Lam Sơn – Sao Vàng.
Với bề dày kinh nghiệm trong việc đầu tư, phát triển các KCN trên thế giới và
tại Việt Nam, các thành viên trong đoàn công tác của Tập đoàn Sojitz đề nghị
tỉnh cần đặc biệt chú ý tới việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh của KCN Lam Sơn -
Sao Vàng với các KCN khác trong tỉnh, trong nước và khu vực. Đồng thời nhấn mạnh
việc KCN có phát huy được hiệu quả đầu tư hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự
hợp tác, đồng thuận giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
KCN.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy
Mai Văn Ninh cảm ơn những thông tin bổ ích về quá trình hình thành và quản lý,
vận hành một KCN mà đoàn công tác của Tập đoàn Sojitz cung cấp cho tỉnh. Đồng
chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: giữa Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ truyền
thống, gắn bó mật thiết và đang được nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược.
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Chính phủ Việt Nam có riêng chương trình chiến
lược hợp tác với Nhật Bản. Tại Thanh Hóa, trong hơn 15 năm qua, cùng với quá
trình hình thành và phát triển của KKTNS, đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến
tìm hiểu và triển khai các dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD và 2,3 tỷ
USD chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, tại KKTNS chủ yếu là phát triển công nghiệp
nặng, không phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp sạch, sử dụng công
nghệ cao, do đó tỉnh đã lựa chọn KCN Lam Sơn - Sao Vàng để phát triển công
nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, công nghiệp sử dụng công nghệ cao... Nguyên nhân
là do khu vực Lam Sơn - Sao Vàng có lợi thế so sánh vượt trội so với các KCN ở
địa hình bằng phẳng, không chịu ảnh hưởng của bão lụt, thuận lợi cho công tác
san lấp mặt bằng. Đất quy hoạch chủ yếu là đất nông nghiệp, thuận lợi cho công
tác giải phóng mặt bằng. Khu vực Lam Sơn – Sao Vàng gần trung tâm hành chính của
tỉnh, chỉ cách TP Thanh Hóa 30 km. Chung quanh khu vực Lam Sơn – Sao Vàng là các
quần thể dân cư đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút lao động. Khu vực
này còn có lợi thế rõ nét về khả năng kết nối các tuyến giao thông, tuy có bất
cập là cách hơi xa cảng nước sâu Nghi Sơn, nhưng thời gian tới, tỉnh sẽ khắc
phục bằng việc đầu tư tuyến cao tốc Lam Sơn – Sao Vàng đi KKTNS.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: tỉnh Thanh
Hóa đặt ra quyết tâm rất cao trong việc xây dựng KCN Lam Sơn – Sao Vàng, chính
vì thế, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển KCN Lam Sơn – Sao
Vàng do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, nhằm tạo đầu mối giải quyết
các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm một cách nhanh gọn, hiệu quả nhất. Đồng thời,
tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính;
đấu mối với các bộ, ngành Trung ương nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư những vấn đề có
liên quan trong quá trình đầu tư, vận hành KCN. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của
mình, tỉnh sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng đến chân tường rào của KCN, đồng thời có
trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu
tư (đối với nhà đầu tư nước ngoài).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn đoàn công tác
của Tập đoàn Sojitz sẽ có ấn tượng tốt trong chuyến khảo sát về KCN Lam Sơn –
Sao Vàng để triển khai các bước tiếp theo. Đồng chí cũng gợi mở việc hợp tác đầu
tư giữa Tập đoàn Sojitz với Tập đoàn Viễn thông quân đội.
.Phạm Ngọc