
Tới dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Trần Văn
Sơn; Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm; ông Lê Văn
Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, cùng đại diện lãnh đạo các
cục, vụ, viện (Bộ Xây dựng); các sở, ngành liên quan và các chuyên gia,
các nhà quản lý đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá, việc
tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong bối cảnh công tác
quản lý đầu tư xây dựng đang đặt ra nhiều yêu cầu và nội dung cần được
đổi mới toàn diện.
Đây cũng là dịp để các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, các nhà quản
lý, những người có nhiều tâm huyết với công tác kinh tế và quản lý xây
dựng thể hiện các quan điểm khoa học liên quan đến các vấn đề bức thiết
trong lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, đầu tư xây dựng là quá trình sử dụng các nguồn lực vào hoạt
động sản xuất và tái sản xuất nhằm tạo lập, mở rộng tài sản cố định,
từng bước tăng cường và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh
tế.
Sản phẩm của hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm toàn bộ hệ thống kết
cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội (công trình cầu, cống, đường xá, bến
cảng, sân bay, những công trình sản xuất như các nhà máy, xí nghiệp, các
công trình dịch vụ như khách sạn, văn phòng, công trình phục vụ đời
sống người dân như nhà ở…). Hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển
của ngành Xây dựng gắn liền với sự phát triển chung của đất nước, cả ở
khu vực đô thị và nông thôn.
Do có quy mô sản xuất lớn và sản phẩm có ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực
của đời sống kinh tế - xã hội, ngành Xây dựng luôn phải hoàn thiện công
tác quản lý để không những nâng cao đóng góp của mình vào sự tăng trưởng
kinh tế, mà còn phải không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo
sự phát triển cân đối và bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã quan tâm nghiên cứu và giải quyết những
vấn đề liên quan tới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng từ rất sớm, đặc biệt
là từ năm 1986, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra và kiên
định thực hiện đường lối Đổi mới. Trải qua các giai đoạn và thời kỳ phát
triển, các quan điểm về quản lý đầu tư xây dựng cũng có sự thay đổi,
từng bước đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, hoạt động quản lý kinh tế xây dựng là một lĩnh vực
quan trọng, là trụ cột để tạo ra sức tăng trưởng của nền kinh tế cũng
như góp phần tạo ra sự tăng trưởng, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Để tăng cường hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư thì một trong những
yếu tố rất quan trọng là pháp luật. Trong giai đoạn từ 2003 đến nay,
công tác quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng và các văn
bản liên quan.
Trong thời kỳ phát triển mới, hệ thống các văn bản này có vai trò rất
quan trọng trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển; hoạt
động đầu tư xây dựng trở thành hoạt động sản xuất vật chất quan trọng để
đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như chỉ đạo điều hành bởi
các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, sẽ có những vấn đề lý luận và thực
tiễn nảy sinh, cần được cân nhắc để có những quyết định đúng đắn, khoa
học như vấn đề vai trò kiểm soát của Nhà nước trong các giai đoạn đầu tư
xây dựng, phương pháp và công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư, mô hình và
phương thức quản lý dự án, đặc biệt các dự án sử dụng vốn nhà nước;
nguyên tắc và nội dung đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng để
vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn nhà nước, vừa thu hút, khai thác
được các nguồn vốn khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sự bình
đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng;
phương pháp lập, điều chỉnh kế hoạch và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
hệ thống công cụ quản lý chi phí (định mức, đơn giá, chỉ số giá,…) và
việc áp dụng theo nguồn vốn; xây dựng, công bố và sử dụng hệ thống dữ
liệu về quản lý chi phí… Đây là những vấn đề cốt lõi, đòi hỏi được
nghiên cứu, đánh giá toàn diện cả về lý luận và thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, hoạt động đầu tư
xây dựng vẫn còn tồn tại một số vấn đề về tình trạng thất
thoát lãng phí; đầu tư dàn trải, chạy theo phong trào, thiếu quy
hoạch và kế hoạch; chất lượng công trình còn nhiều vấn đề; mô hình
quản lý dự án còn nhiều bất cập; hiệu quả đầu tư phát triển thấp; tính
chuyên nghiệp trong quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng còn hạn
chế…
Với vai trò là cơ quan Chính phủ, quản lý về đầu tư xây dựng, Bộ trưởng
đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận về một số vấn đề cơ bản trong lĩnh
vực đầu tư xây dựng nói chung và kinh tế xây dựng nói riêng; nâng cao
trách nhiệm, hiệu quả, sức cạnh tranh của các loại hình kinh tế; điều
chỉnh các hoạt động liên quan đến kế hoạch, điều kiện phân bổ vốn đâu tư
nước ngoài, vốn nhà nước hiệu quả; có cơ sở về mặt kinh tế khuyến khích
xã hội hóa trong việc xác định đơn giá, sản phẩm để có thể áp dụng vào
công trình tiết kiệm nhất, chất lượng nhất và hiệu quả nhất.
Đối với đầu tư ngoài nhà nước, có cơ chế kiểm soát giá hết sức chặt
chẽ, đặc biệt nâng cao vai trò quản lý nhà nước, công chức, quan chức
tránh tình trạng quyền không rõ, do đó không quản lý được.
Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến đổi mới phương thức quản lý chi phí
kinh tế trong dự án từ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đến thi công
xây dựng. kiểm soát quá trình thi công, nghiệm thu, bảo trì, bảo hành,
đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân… nhằm khắc phục thất thoát,
lãng phí, đầu tư dàn trải, đầu tư thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch,
dẫn tới tình trạng dự án treo, tình hình bất động sản như hiện nay,
cung cầu không gặp nhau dẫn đến dư thừa những dự án, không cân dối nguồn
lực, ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô…
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, thay mặt Ban Tổ chức, ông Lê Văn
Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, Hội thảo không chỉ
là diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trình bày những vẫn
đề nghiên cứu của mình mà còn là dịp để trao đổi, thảo luận những vấn
đề lý luận và thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực Kinh
tế và Quản lý xây dựng.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục đào tạo và cung cấp những
nhà kinh tế, quản lý xây dựng có chất lượng tốt nhất, góp phần hữu ích
cho xã hội, cho ngành cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan, giúp
cho công tác đầu tư xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng có hiệu
quả cao hơn.

Hội thảo cũng đã nghe một số báo cáo chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên
gia đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc về một số nội dung như: Kinh
nghiệm cá nhân về quản lý hợp đồng trước và sau khi ký; kinh tế xây dựng
và công tác quản lý đầu tư ở Trung Quốc; lý luận và thực tiễn của việc
đo bóc tiên lượng và tính dự toán dựa trên mô hình thông tin công trình
– Nghiên cứu tình huống; phương pháp lập dự toán tiền hợp đồng – Cách
tiếp cận theo bộ phận kết cấu công trình; phương pháp xác định dự toán
xây dựng và dự toán chi phí gói thầu đối với công trình công cộng tại
Nhật Bản…
Linh Anh - Thiên Trường