Sáng ngày 04/9/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN & MT) Quốc hội khóa XIII tổ chức phiên họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân
Dũng, các đại biểu dự phiên họp sẽ trực tiếp nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh
Đình Dũng, Trưởng ban soạn thảo Dự án trình bày tờ trình của Chính phủ; đồng chí
Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN & MT trình bày ý kiến thẩm tra sơ
bộ của nhóm nghiên cứu. Một số chuyên gia kinh tế, xây dựng, khoa học, pháp luật
một số Bộ, ngành liên quan khách mời dự phiên họp cũng sẽ phát biểu góp ý cho Dự
luật.
Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đảm bảo
tính khả thi
Theo Thường trực Ủy ban KHCN&MT, Ủy ban cơ
bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi của Dự thảo Luật
Xây dựng (sửa đổi).
Tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật
bao gồm “hoạt động đầu tư xây dựng”, Thường trực Ủy ban cho rằng hiện nay tổng
nguồn vốn cho đầu tư xây dựng (ĐTXD) cơ bản là khá lớn. Do đó, “Luật Xây dựng
(sửa đổi) cần điều chỉnh hoạt động ĐTXD đối với các dự án ĐTXD mọi loại nguồn
vốn khác nhau và xuyên suốt toàn bộ quá trình ĐTXD”. Đồng thời, Thường trực Ủy
ban cũng tán thành nội dung quy hoạch xây dựng được quy định trong Chương II, Dự
thảo Luật. “Quy định kế thừa định hướng của Luật Xây dựng hiện hành, đảm bảo
nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước.”
Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xây dựng (sửa
đổi) khẳng định: Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở đánh giá, tổng kết
thực tiễn thi hành Luật Xây dựng hiện hành và những yêu cầu thực tiễn đặt ra
trong quản lý hoạt động xây dựng, khắc phục được những hạn chế, tồn tại từ đó
sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển.
Trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Thường trực Ủy
ban đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu thực tiễn thực thi pháp luật về xây
dựng và tổ chức khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị, một số địa phương,
đồng thời tổ chức hội thảo khoa học về Dự án Luật, tham vấn ý kiến của các
chuyên gia. Do đó, “về cơ bản nội dung Dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi”.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn
thảo cần đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp
luật có liên quan đến hoạt động xây dựng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu
quả của việc sửa đổi Luật Xây dựng hiện hành. Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu,
bổ sung vào Dự thảo Luật những quy định trong các văn bản dưới luật đã được thực
hiện ổn định trong thực tế để có thể áp dụng ngay…
Luật Xây dựng phải là luật khung của các
luật khác
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban KHCN&MT,
Luật Xây dựng (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu,
đầy đủ, đúng quy định, “đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIII xem xét, cho ý
kiến tại kỳ họp thứ 6”. Đồng ý kiến với Thường trực Ủy ban, các đại biểu đánh
giá cao Ban soạn thảo Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng
định: Phải coi Luật Xây dựng là luật khung của các luật khác như Luật Quy hoạch,
Luật Kiến Trúc, Luật về môi trường, thủy lợi… Đồng tình với đại biểu Bùi Thị An,
một số đại biểu cũng đề nghị đưa Luật Xây dựng là luật khung.
Ông Phùng Đức Tiến - Ủy viên Thường trực Ủy ban
KHCN&MT cho biết: Quy hoạch trong thời gian qua đưa lại một số hậu quả khá
nghiêm trọng. Chúng tôi rất kỳ vọng vào Bộ trưởng và Bộ Xây dựng vì có tinh thần
cầu thị rất cao. Ông Tiến đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm quy hoạch,
quy hoạch tổng thể và có thời gian cụ thể để hoàn thành quy hoạch. Trong phê
duyệt dự án cần thẩm định dự án, làm rõ trách nhiệm của người phê duyệt tổng mức
đầu tư… Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần đưa rõ nét hơn vai trò của cộng
đồng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) để nâng cao vai trò cộng đồng, giám sát, xây
dựng, đóng góp của cộng đồng.
Các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nên bổ sung
thêm bản thuyết minh từng chương, từng điều vì trong quá trình soạn thảo đã
tranh luận, thảo luận từng điều một, những điều đã thay đổi là gì? Đây là những
thuyết minh rất quan trọng. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần đưa thêm một số
quy định về những hành vi nghiêm cấm để khắc phục những kẽ hở hiện nay, như tình
trạng vi phạm rất phổ biến, có thanh tra nhưng chưa làm hết trách nhiệm, thậm
chí làm ngơ cho sự vi phạm, trì hoãn, không thực hiện đúng chức trách của
mình…
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, trong
Dự thảo Luật chúng ta mới quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với các chủ đầu
tư, những hành vi lấn chiếm… chứ chưa có những hành vi nghiêm cấm đối với thanh
tra xây dựng và chủ tịch UBND các cấp. Vì vậy, cần chú ý đến hai đối tượng này
để sau này, khi có vi phạm xảy ra mới có thể xử lý được. Bà Khánh đề nghị: “Phải
gắn hành vi bị nghiêm cấm với những hành vi bị xử phạt hành chính”.
Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu, Bộ
trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để tiếp tục
hoàn thiện Luật Xây dựng (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, ĐTXD khẳng định là một quá
trình, có xây dựng thì có đầu tư, nhưng có đầu tư thì chưa chắc có xây dựng.
Những hoạt động liên quan đến ĐTXD sẽ được điều chỉnh trong Luật Xây dựng (sửa
đổi), từ lập đến thẩm định, thực hiện dự án.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Trịnh
Đình Dũng khẳng định, việc đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi) là để đáp ứng yêu cầu
thực tiễn, sau này chúng ta có thể bổ sung, nâng cấp lên thành một luật. Theo Bộ
trưởng, quy hoạch xây dựng (QHXD) là điều kiện tiền đề đi trước để các quy hoạch
khác đi theo. Những quy hoạch khác phải căn cứ theo QHXD để thực hiện. Ví dụ như
chúng ta đang xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Sau này các quy hoạch
kinh tế xã hội phải căn cứ vào hiện trạng này để lập quy hoạch, đảm bảo việc
khai thác tiềm năng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Ban soạn thảo
sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề nguồn lực quy hoạch, dự án đầu
tư, quản lý dự án ĐTXD, giấy phép xây dựng… của Thường trực Ủy ban KHCM&MT
và các đại biểu để hoàn thiện hơn nữa Luật Xây dựng (sửa đổi).
Luật Xây dựng (sửa đổi) điều chỉnh đối với hoạt
động ĐTXD trong các dự án ĐTXD sử dụng mọi loại nguồn vốn khác nhau và xuyên
suốt toàn bộ quá trình ĐTXD (quá trình tạo lập ra sản phẩm công trình xây dựng),
bao gồm các khâu: lập quy hoạch xây dựng, lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư
xây dựng (ĐTXD), khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, cho đến nghiệm thu, bàn
giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng và bảo hành, bảo trì, bảo
hiểm công trình xây dựng.
Để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí
trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn
đầu tư tại các dự án sử dụng vốn nhà nước, Luật Xây dựng được sửa đổi theo hướng
các dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức và mức
độ khác nhau. |
Hải Đăng - Lan Anh