Năm mới 2014, bản Hiến pháp mới bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày đầu năm. Vì thế, “Câu chuyện đầu năm” không thể không đề cập tới Hiến pháp.

Kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp.
Trong suốt năm qua, Hiến pháp là một chủ đề chiếm những vị trí nổi bật trên tất cả các phương tiện truyền thông trong nước.
Trong bài viết nhân dịp Quốc hội khóa 13 thông qua Hiến pháp, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá: “Với tinh thần lắng nghe, thấu
hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân
dân; các cơ quan có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc
tận tụy, tâm huyết để cuối cùng có được một bản Hiến pháp sửa đổi thông
qua với sự đồng thuận rất cao”.
Báo chí đã nói rất nhiều về vị trí đặc biệt của Hiến pháp - đạo luật
gốc của Nhà nước, về những sửa đổi trọng đại, mang tính lịch sử lần này.
Nhưng Hiến pháp không chỉ có những tác động mang tầm vĩ mô, mà còn tác
động hết sức cụ thể đến cuộc sống hằng ngày của mỗi công dân. Chỉ có
điều, có những thứ vì quá quen thuộc nên ta không để ý chúng quan trọng
đến mức nào.
Có thể kể đến một ví dụ nho nhỏ liên quan đến quyền con người, quyền
công dân, những vấn đề hết sức hệ trọng và có nhiều điểm mới nổi bật
trong Hiến pháp mới. Đó là khi đất nước còn trong những ngày chưa thống
nhất, từ trong chính cuộc đấu tranh của nhân dân khắp mọi đô thị miền
Nam, có người nhạc sĩ đã bày tỏ khát khao về một ngày mà “đời sống con
người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong
dong không còn sợ hãi”, điều bình thường trong xã hội hôm nay.
Năm mới thường gợi lại cho người ta những hoài niệm cũ. Nhắc tới Hiến
pháp, không thể không nhắc đến những dòng bất hủ trong “Bản yêu sách của
nhân dân An Nam” được Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles năm
1919, khi đất nước còn chìm trong vòng nô lệ. Trong tám điều yêu sách,
điều thứ bảy yêu cầu phải có hiến pháp cho nhân dân Việt Nam: “Bảy xin
hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Việt Nam yêu
cầu ca - diễn ca của bản yêu sách do Nguyễn Ái Quốc soạn để tuyên
truyền).
“Năm mới nói chuyện cũ”, nhưng “ôn cố” cũng là để “tri tân”. Hơn một
phần tư thế kỷ sau bản yêu sách nói trên, nước Việt Nam ta mới có một
bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử. Hiến pháp năm 1946 ra đời trong
một bối cảnh dân ta không chỉ “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ
mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”, mà còn “đánh đổ các xiềng xích thực
dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”. Khát
vọng giản dị, được “đi đứng cười nói thong dong” cũng là khát vọng chung
của cả dân tộc ở thời điểm ấy.
Với Việt Nam, ngay từ những ngày lập quốc, Hiến pháp đã không chỉ là
một văn kiện khẳng định chủ quyền của nhân dân, mà còn khẳng định vị thế
độc lập của đất nước, như tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập. Đó cũng là
một trong những giá trị căn bản, có ý nghĩa hết sức hệ trọng của các bản
Hiến pháp trong lịch sử Việt Nam, từ khi giành lại được giang sơn sau
Cách mạng Tháng Tám.
Và Hiến pháp mới vừa được Quốc hội thông qua đương nhiên cũng không
phải là một ngoại lệ. Khẳng định những giá trị của Hiến pháp mới, không
thể không nhắc lại điều đó. Quyền con người, quyền công dân cũng thiêng
liêng như chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc vậy.
Cũng nhìn lại lịch sử, các bản Hiến pháp đều ra đời trong bước ngoặt
trọng đại của lịch sử dân tộc. Trong những bước ngoặt ấy, thành tựu là
vô cùng lớn, nhưng khó khăn thách thức cũng không nhỏ.
Hiến pháp 1946 ra đời khi đất nước vừa giành được độc lập, chính quyền
non trẻ ở trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Hiến pháp 1959 ra đời khi
đất nước đã thắng thực dân Pháp xâm lược, bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở miền Bắc, nhưng miền Nam vẫn chưa được giải phóng. Hiến pháp 1980
ra đời sau chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
năm 1975, nhưng đất nước vẫn chìm trong những khó khăn kinh tế. Hiến
pháp 1992 được xây dựng và thông qua khi đất nước đã giành được những
thành quả bước đầu trong Đổi mới, nhưng tiềm lực kinh tế khi ấy vẫn còn
rất nhỏ bé, trong khi tình hình chính trị thế giới trải qua những biến
động được đánh giá là dữ dội nhất thế kỷ 20, với sự tan rã của hệ thống
XHCN.
Nhưng đất nước ta đã lần lượt vượt qua tất cả những khó khăn và trở
ngại, với những bước “vượt khó” vươn lên ngoạn mục từ thời điểm các bản
Hiến pháp mới được thông qua. Thực tiễn lịch sử đó sẽ giúp chúng ta tự
tin hơn vào con đường đã chọn.
Năm 2014 đã tới với những khó khăn, thách thức được dự báo là không
nhỏ. Bản Hiến pháp mới được thông qua khi thế và lực của chúng ta đã
mạnh hơn nhiều so với trước. Nếu Hiến pháp sửa đổi là bảo đảm chính
trị-pháp lý vững chắc để đất nước vững bước tiến lên, thì thế và lực đó
cũng sẽ là những bảo đảm vật chất để thực thi Hiến pháp, củng cố niềm
tin của người dân vào một chặng đường phát triển mới của đất nước.
Theo Chinhphu.vn